Ẩm thực miền Trung

Mở mang tầm mắt với 15 món ngon ngày tết miền Trung độc lạ

Đặc sản bánh tét miền trung

Ở mỗi vùng miền, người ta sẽ có những quan niệm khác nhau về mâm cơm ngày Tết. Hãy cùng xem cận cảnh các món ngon ngày Tết miền Trung có gì mới lạ và khác biệt nhé!

1. Bánh tét

Đặc sản bánh tét miền trung

Khác với miền Bắc, người miền Trung và miền Nam sẽ ít dùng bánh chưng, thay vào đó họ sẽ làm bánh tét. Đối với người miền Trung, nếu mâm cơm tết thiếu đi bánh tét thì đó sẽ không còn là mâm cơm đủ đầy. Về nguyên liệu và cách làm thì bánh tét cũng gần như giống bánh chưng, chỉ có khác ở chỗ bánh chưng gói vuông còn bánh tét lại được gói theo hình trụ tròn. Ngoài ra thì thay bằng việc gói bằng lá dong như bánh chưng thì bánh tét được gói bởi lá chuối. Khi ăn thì cắt thành từng khoanh tròn nhỏ.

2. Bò kho mật mía

Nếu với người miền Bắc hay dùng thịt lợn kho cho ngày tết thì người miền Trung lại thích bò kho mật mía. Dặc trưng của ẩm thực miền Trung là màu sắc, một ít cay nóng và vị đậm đà.  Đây là một món ngon ngày Tết ở miền Trung thể hiện rõ tính chất này. Vị ngon ngọt dai dai của bắp bò, cộng thêm vị ngọt của mật mía,cay nóng của ớt bột và mùi thơm đặc trưng của sả, hồi, tiêu, quế… món này ăn kèm với cơm, xôi đều không có điểm chê. Đặc biệt mật mía cũng là chất bảo quản tự nhiên giúp bò kho giữ được lâu hơn trong những ngày tết dài hơi.

3. Giò bò

Giò bò tiêu thủ thì gần giống với món giò lụa hay chả của miền Bắc. Đầu tiên người miền Trung cũng ưa dùng do tính đơn giản, thuận tiện cũng như ngon miệng của món ăn này. Giò bò khác với giò lụa ở chỗ nguyên liệu chính là thịt bò, do đó lúc cắt ra thì thường sẫm màu, có phần đỏ hơn so với giò lụa và chả. Giò bò ăn cũng dai và ngọt hơn là giò lụa.

4. Thịt lợn ngâm nước mắm

Thịt lợn ngâm nước mắm

Đối với người miền Trung thì họ thích những món ngâm tẩm như tôm chua, các loại mắm,….Nên thay vì kho như bình thường, trong ngày tết họ sẽ thay đổi cách làm thịt lợn. Thịt lợn ngâm nước mắm là món ăn rất được ưa thích trong ngày tết nhờ mùi vị đậm đà, ngon ngọt của nước mắm pha đường. Ngoài ra thịt lợn luộc sau khi ngâm một vài ngày sẽ ngấm, giòn, ngon hơn là luộc rồi chấm suông với nước mắm.

5. Thịt lợn kho củ cải

Khác với thịt lợn ngâm nước mắm, thịt lợn kho củ cải là món ăn đã có khá lâu ở miền Trung. Đây là món ăn sở hữu hương vị đậm đà, có thể ăn kèm với bánh tét hoặc cơm trắng. Người miền Trung thường sẽ thiên về chế biến các món ăn đơn giản, không quá cầu kì nhưng vẫn đòi hỏi một số quy tắc nhất định. Đơn cử là trong món tưởng đơn giản này, nhưng với miền Trung thì thịt phải mềm, ngấm gia vị, củ cải phải chín mềm, không cứng quá hay nát quá, và màu sắc thì phải đẹp.

6. Củ kiệu

Củ kiệu na ná như củ hành ở miền Bắc, cũng là một món ăn kèm giúp dễ tiêu, đỡ ngán khi ăn các món nhiều dầu mỡ. Trong mâm cơm ngày tết thì thường đều là những món nhiều chất hoặc chiên rán, do đó nếu thiếu củ kiệu thì mâm cơm sẽ mất đi tính cân đối ngay. Các bước muối củ kiệu cũng không quá khác biệt so với muối hành. Tuy nhiên củ kiệu thường sẽ có mùi khá hắc so với hành, nhiều người muối chưa đủ độ thì khi dùng mùi hắc này vẫn còn khá nồng, do đó món ăn này sẽ kén người ăn hơn là củ hành.

7. Dưa món

Dưa món ngày tết ngon tuyệt

Cũng là một món ăn kèm tương tự như củ kiệu với công dụng cân bằng, giảm ngán,…dưa món là món ăn được rất nhiều gia đình miền Trung ưa chuộng bởi cách làm cũng dễ mà nguyên liệu cũng rất phổ biến. Dưa món làm từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu… ngâm cho đến khi có vị chua mặn, giòn giòn là ăn được. Một số nhà để rút ngắn thời gian ngâm có thể cắt nhỏ các nguyên liệu rồi đem sấy, phơi khô trước sau đó mới ngâm, lúc đó tuy thời gian ngâm ngắn đi nhưng vẫn đảm bảo thành phần ngấm và dai giòn.

8. Nem chua

Cũng như giò bò thì đây là món được đông đảo gia đình chọn mua nhờ sự tiện dụng của nó. Ngoài việc làm món ăn nhẹ trên mâm cơm thì khi khách đến nhà chơi ngày Tết, người miền Trung thường mời đôi ba chén rượu nhâm nhi với những miếng nem chua. Nem được làm từ thịt heo sống,  tẩm ướp gia vị, để trong vài ngày có vị chua, giòn và dai.

9. Tôm chua

Tôm chua là đặc sản của miền Trung hiếm nơi nào có, mà kể cả có cũng ít khi đạt được vị đậm đà đặc trưng như người miền Trung, đặc biệt là xứa Huế. Không được xem như là món chính, tôm chua chỉ là món ăn kèm, tuy nhiên ăn kèm tôm chua với bất kì món ăn nào cũng sẽ gia tăng tính đậm đà cho món ăn đó. Ngoài ra người miền Trung cũng thường ăn riêng tôm chua với quả vả, rau thơm,…khi đó vị ngọt bùi béo béo của tôm cùng với vị cay nơi đầu lưỡi sẽ làm bạn cảm nhận được hết cái tinh túy của ẩm thực cố đô một thời.

10. Tré

Đối với riêng người dân xứ Huế, Đà Nẵng hay Quảng Nam thì tré là một món ăn dân giã lâu đời cho ngày tết cổ truyền. Tré được làm từ tai heo, thịt bò, thịt ba chỉ… thái mỏng, trộn lẫn với các loại gia vị như riềng, mè, tỏi, tiêu… gói lại trong lá ổi, lá chuối. nghe có vẻ na ná như nem chua, nhưng tré lại được nấu chín. Các nguyên liệu của món tré sau khi được nấu chín, thái lát và trộn đều gia vị sẽ được bọc lại bằng lá ổi, rơm. Món tré hội tụ đủ các vị giòn dai, thơm ngọt của thịt và tai heo, là món ăn nhâm nhi trong những câu chuyện đầu năm mới.

11. Bánh tổ

Bánh tổ món ngon ngày tết

Là một nước thuần nông nghiệp nên bất kể vùng miền nào cũng sẽ có những món ăn gắn với nghề nông. Bánh tổ là một trong số đó, với nguyên liệu chính từ gạo nếp và đường. Ưu điểm lớn của món ăn này là bảo quản được lâu nên thường sẽ được làm nhiều để dùng dần. Món bánh này có khá nhiều cách ăn như cắt ăn liền, nướng trên than hay chiên bằng dầu. Tuy nhiên cách ăn đơn giản nhất và thường được dùng nhất vẫn là cắt thành khoang hay miếng và trực tiếp thưởng thức với nước chè hoặc nước trà.

12. Bánh nổ

Ở Quảng Nam, ngày tết cổ truyền sẽ hiếm khi thiếu sự xuất hiện của bánh nổ. Từ đĩa bánh trái cúng gia tiên hay những khay bánh kẹo bày ra tiếp khách thì bánh nổ giòn thơm luôn là thứ nhà nào cũng phải có.  Tết đến là thời gian của những câu chuyện ấm cúng, bánh nổ với vị ngọt của đường, vị cay của gừng, vị thơm bùi của gạo nếp đã góp phần không nhỏ trong sự quay quần, ấm áp của các gia đình đó.

13. Bánh thuẫn

Đây là món bánh có nguyên liệu khá giống với bánh gato ngày nay. Khác với 2 loại bánh trên nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp thì bánh thuẫn được làm từ bột, trứng, đường, đem đổ lên những chiếc khuôn bằng gang. Việc khó nhất là bánh sau khi chín phải nở bung, có màu vàng ươm như những cánh hoa mai. Do đó quan trọng nhất là quá trình đánh bột và pha bột. Phải căn đủ tỉ lệ, đánh mịn. Khi mùi thơm ngọt ngào của bánh thuẫn vương vào mũi thì hương vị ngày tết cổ truyền lại ùa về trong lòng mỗi người dân xứ Quảng.

14. Bánh lăn

Cũng là một món đặc trưng của xứ Quảng ngày tết với những nguyên liệu dễ kiếm, công thức dễ làm từ nếp thơm, cà chua, cà rốt, quất, bí đao, chuối, dứa, gừng. Những nguyên liệu này xắt nhỏ, rim cùng với đường. Nếp sau khi được rang sẽ được xay nát thành bột, sau đó trộn đều với nước đường cho đến khi dẻo lại. Bột nếp và mứt hòa vào nhau nén thành khối, khi ăn thì cắt miếng.

15. Bánh in

Bánh in là món bánh có nguyên liệu khá đơn giản, nhưng vẻ bề ngoài thì khá cầu kì với đủ các họa tiết hoa văn rồng bay phượng múa phức tạp. Trước đó món bánh này thường được dâng lên cúng gia tiên nên hình thức phải thật bắt mắt. Tuy trước đó bánh in chỉ có màu trắng nhưng gần đây bánh đã được thêm một số nguyên liệu để có nhiều màu sắc đa dạng hơn.  Người ta còn thêm vào ít lá dứa, nước hoa bưởi và cốt chanh để bánh thêm thơm ngọt và đậm đà.

Trên đây là 15 món ngon miền trung đặc trưng nhất trong dịp Tết nguyên đán. Có một số món khá giống tương tự với người miền Bắc hoặc miền Nam về gia vị, nguyên liệu hoặc cách làm. Nhưng nhìn chung thì trong mâm cơm ngày thường hay ngày lễ tết các món ăn vẫn thể hiện đầy đủ nhất tính chất ẩm thực vốn có của người miền Trung là sự hài hòa về màu sắc, cay nóng về vị và cầu kỳ trong cách nấu và bài trí. Nếu có cơ hội hãy cố gắng nếm thử những món ngon ngày Tết miền Trung một lần trong đời nhé!