Ẩm thực miền Nam

16 món ngon miền Nam dễ làm ăn một lần là nhớ cả đời

Đặc sản vịt nấu chao

Ẩm thực của mỗi miền lại mang đặc trưng riêng. Dưới đây là list các món ngon miền Nam dễ làm để giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ẩm thực của người miền Nam.

Món ăn của người miền Nam đơn giản, không cầu kỳ, có phần chân chất và mộc mạc như những con người nơi đây. Ở miền Nam món ăn đa dạng, biến hóa vị ngọt, cay, béo là chủ yếu. Từ những món ăn chính trên bữa cơm hàng ngày hay những món ngon dân dã miền Nam đều thể hiện rõ tính cay, ngọt này.

1. Vịt nấu chao

Đặc sản vịt nấu chao

Vịt nấu chao là một trong những món đầu tiên phải kể đến khi nhắc tới ẩm thực miền Nam. Với vị ngọt của thịt vịt, cùng với hương thơm của nước dừa béo béo, ăn kèm với vị bùi của khoai, chao. Ngoài ra không thể thiếu vị cay nồng đặc trưng của miền Nam được. Nguyên liệu làm món ăn này cũng khá đơn giản, chỉ cần thịt vịt, khoai môn, rau muống, dừa xiêm,  các gia vị như chao đỏ, tỏi, hành củ, ớt, gừng, hành lá, rượu trắng,.…..

2. Cá lóc nướng trui

Nếu đã xem qua những thước phim về miền Tây Nam Bộ thì hình ảnh cá lóc nướng không còn quá xa lạ gì. Cá lóc thường được nướng hoặc hấp thay vì dùng để kho hay nấu canh chua như ngoài Bắc. Đặc biệt cá lóc nướng trui lại không cạo vảy, cũng không sơ chế kĩ càng như các vùng miền khác. Chỉ đốt bằng rơm, nướng cho tới khi cháy khét. Trong lúc nướng phải liên tục trở và phết mỡ lên thân. Phần ruột cá không vứt đi mà sẽ cho vào chén nước chấm dầm ớt, tỏi, me để ăn cùng.

3. Cá kèo kho tộ

Cá kèo kho Tộ

Người miền Nam thường nổi tiếng với cách làm kho tộ, thịt kho tộ, cá kho tộ. Một món ăn đặc sản mà hầu như ai cũng biết là cá kèo kho tộ. Ngoài vị béo ngọt của cá kèo thì còn có vị đắng của mật cùng với vị bùi của gan cá. Món này thường ăn trong tiết trời mưa, man mát. Ăn cùng với cơm trắng dẻo nóng thì không cần bàn cãi

4. Cua đồng nấu rau tập tang

Cua đồng là nguyên liệu không xa lạ gì với mỗi vùng miền. Đặc biệt cứ đến những ngày oi nóng bát canh cua đồng lại càng được chuộng trên mâm cơm gia đình. Tuy nhiên mỗi vùng sẽ nấu cua đồng với một loại rau khác nhau. ở Miền Nam, cua đồng sẽ đươc nấu với rau tập tang (tổng hợp của nhiều loại rau khác nhau). Thay vì chỉ nấu với một loại rau nhất định thì người ta sẽ nấu với nhiều loại như mồng tơi, đọt dền, rau ngót, lá mỏ quạ,…và thêm ít mướp hương cắt lát. Bát canh cua tập tang từ lâu đã trở thành một trong những món ngon miền Nam dễ làm mà lại ngon bổ rẻ.

5. Đuông chiên giòn

Đuông dừa là một đặc sản miền Tây Nam bộ rất nổi tiếng. Tuy nhiên hình ảnh những con đuông dừa béo trắng lúc nhúc trong bát không phải ai cũng dám ăn thử mặc dù vị rất béo và ngon. Do đó đuông chiên giòn là món ăn mà hầu như ai cũng ăn được và muốn thử để cảm nhận mùi vị đặc biệt của nó. Ngoài ra thì đây là một loại thức ăn bổ và cực kỳ sạch, lại cung cấp nhiều protein và các vitamin cần thiết cho cơ thể nên rất được ưa thích.

6. Lẩu mắm miền Tây

Lẩu mắm miền Tây

Lẩu thì ở đâu cũng có, nhưng lẩu mắm thì chỉ có về miền Tây ăn mới đúng điệu nhất. Nước dùng ngon ngọt từ các loại cá đồng, cá sông ăn kèm vơi ti tỉ thứ rau hái ngay trong vườn nhà. Với nguyên liệu chính là mắm cá hoặc mắm sặc cùng với nước dùng nấu từ mắm, nước dừa và nước hầm xương, không thể bỏ qua vị cay nồng của tỏi ớt sả và màu nâu sánh của mắm được. Đây đúng chuẩn là món ăn đặc trưng nhất ẩm thực nam bộ khi vừa có đủ ngọt, đủ cay, và vị béo bùi hấp dẫn ngay từ ánh nhìn đầu tiên.

7. Lẩu cá kèo

Cũng là một trong số món lẩu với nguyên liệu chính từ cá kèo mang đậm vị miền Nam. Lẩu cá kèo là sự kết hợp của vị béo bùi từ cáo kèo, thêm chút chua của lá giang và nhẳn đắng của rau đăng. Rau ăn kèm thường là rau muống, bắp chuối bào, rau đăng, giá đỗ.

8. Canh chua cá bông lau

Cá là nguyên liệu khá phổ biến với người miền Nam, đặc miền là vùng Tây Nam. Cá sông, cá đồng đều có thịt dai và béo, có nhiều cách thức chế biến để vẫn giữ được độ béo của cá. Phổ biến nhất là nướng. Tuy nhiên thì cũng có cách nấu khác, khá giống với người miền Bắc là canh cá nấu chua. Cá bông lau là đặc sản nổi tiếng sông Tiền – Hậu. Cá bông lau nấu chua cùng me,dứa,  giá đỗ, đậu bắp và thêm chút ớt cay nồng ăn kèm cùng cơm trắng thì không còn gì chê.

9. Cháo cá rau đắng

Ngoài làm nướng, lẩu hay nấu canh thì chúng tôi xin giới thiệu thêm một trong số các món ăn ngon miền Nam làm từ cá đó là cháo cá rau đắng. Thường khi nấu cháo thì cá lóc sẽ là loại cá hợp nhất. Cái tên cháo cá rau đắng đã giúp bạn hình dung phần nào nguyên liệu của món ăn này. Nguyên liệu chính sẽ là cá lóc, rau đắng và gạo thơm. Khác với miền Bắc khi cá đã được sơ chế kỹ thì ở đây người ta lại giữ nguyên bộ lòng cá. Trước đó, cá sẽ được ngâm nước ấm với muối gừng khử tanh. Gạo ninh nhừ, nhuyễn. Tuy rau đắng không dễ ăn nhưng sau khi vị đắng qua đi thì vị ngọt thơm sẽ lan đến đầu lưỡi, ăn kèm với cháo cá sẽ tăng thêm vị đậm đà cho bát cháo.

10. Cháo cua đồng

Canh cua đồng, bún cua đồng thì ở đâu cũng có nhưng cháo cua đồng thì là món ăn dân dã đậm tính Nam Bộ. Cua đồng là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng,nhiều protein. Đặc biệt là ở vùng sông nước thì cua đồng lại càng béo, ăn lại càng ngon. Về chế biến thì cũng giống y như lúc nấu canh, sơ chế cua, lấy gạch cua riêng, xay lọc và nấu cùng với cháo. Cách làm khá đơn giản nhưng bạn vẫn có thể thưởng thức được vị cua đồng thay vì ăn những món canh hay bún cua đã quá phổ biến.

11. Canh gà lá giang

Canh gà lá Giang thơm ngon

Ngoài nguyên liệu chính từ cá thì gà cũng là món ăn ưa thích của đa số mọi người. Người miền Bắc, miền Trung sẽ luộc gà ăn với lá chanh hoặc xào với sả ớt còn riêng miền Nam nhắc tới gà phải có lá giang. Lá giang không thể thiếu với món gà ở đây như lá chanh ở ngoài Bắc vậy. Lá giang có vị chua, khi nấu cùng gà sẽ đỡ bị ngấy, ngoài ra thì nó còn có tác dụng thanh nhiệt. Vị chua của lá giang cùng vị dai béo của thịt gà sẽ làm say đắm mọi giác quan của những người từng một lần thưởng thức món ăn này.

12. Gỏi khô cá lóc

Tương tự như các món nộm ở miền Bắc thì gỏi là một món ăn kèm trong bữa ăn của các gia đình miền Nam. Người dân ở đây sẽ chế biến những nguyên liệu đơn giản nhất, phổ biến nhất xung quanh họ đó là cá lóc cùng một số loại rau củ để làm nên món ăn thơm ngon, mát cho những ngày oi nóng. Cá lóc được chọn làm gỏi là loại cá khô cùng một ít rau răm, ngò, quế, dưa chuột, cà rốt, lạc rang và gia vị cơ bản như đường, mắm, mì chính,…. tất cả nguyên liệu hòa quyện hài hoà tạo nên một cảm giác ngon miệng đến khó tả mà chỉ có người đã từng được cảm nhận mới miêu tả được vị ngon ngọt ấy.

13. Gỏi sầu đâu

Gỏi sầu đâu không phải là món ăn của người miền Nam, nó có xuất xứ từ Campuchia. Tuy nhiên cây sầu đâu lại mọc rất nhiều các vùng ven Kiên Giang có lá màu xanh, vị đắng và hoa màu trắng xanh. Lá non và hoa thường được người dân mua về để trộn với các nguyên liệu khác như cá sặc khô, cá lóc khô, thịt ba chỉ, tôm luộc, dưa leo, xoài sống, các loại rau thơm… tạo nên món gỏi sầu đâu đặc trưng nổi tiếng chỉ có ở những vùng đất này. Tất nhiên không thể bỏ qua nước mắm me chua ngọt để ăn cùng gỏi. Gỏi sầu đâu đúng chuẩn một “bản hòa tấu” hài hòa giữa các vị đắng, ngọt, chua, cay, bùi, béo,…

14. Bánh xèo

Bánh xèo

Hiện nay thì bánh xèo đã quá phổ biến, đi đâu ở bất cứ tỉnh thành nào cũng đều có bán bánh xèo. Đó chính là cái hấp dẫn đặc biệt của món bánh nhìn qua thì đơn giản này của người Nam Bộ. Người miền Nam rất có tài trong việc tạo ra những món bánh từ nguyên liệu đơn giản, cách làm đơn giản nhưng lại đánh thức vị giác của tất cả những người đã một lần được nếm qua. Vỏ bánh giòn rụm quyện với vị thơm của hành hoa cùng với vị ngọt của tôm, thịt, nấm. Cuộn lại cùng với dăm ba cọng rau sống và chấm cùng nước mắm chua cay ngọt. Ăn một lần là đủ để mê mãi về sau.

15. Bánh khọt

Một loại bánh nữa mà nghe tên đã thấy đậm chất miền Tây Nam bộ là bánh khọt. bánh khọt chỉ nhỏ bằng miệng một chiếc bát nhỏ, về nguyên liệu thì cũng kha khá giống bánh xèo. Có bột gạo, thịt nạc, tôm, trứng, dừa, đậu xanh, hành lá, hành tây,….Bánh khọt thường được dùng để ăn vặt chiều hay đãi khách thăm nhà. Bánh khọt sẽ ăn kèm cùng nước chấm chua cay ngọt y như bánh xèo. Chỉ có điều bánh khọt sẽ được đổ vào những khuôn bé bé bằng inox, một khuôn độ tầm chục cái bánh.

16. Bò bía

Bò bía ở đây là bò bía mặn chứ không phải như món bò bía ngọt ngoài Bắc. Cũng đều là món ăn vặt thân quen và dân dã. Cách làm cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần chuẩn bị tép khô, lạp xưởng, trứng, xà lách, rau thơm và cuộn lại trong một miếng bánh tráng mỏng. Tuy nhiên quan trọng là nước chấm từ tương hột, ớt xay nhuyễn cùng với vị thơm của hành khô và bùi bùi của lạc rang thì lúc đó món bò bía ăn mới đúng chuẩn được.

Trên đây là 16 món ăn ngon dân dã của người miền Nam, các món ăn này đều gắn liền với các nguyên liệu đặc trưng và phổ biến của vùng Nam Bộ, hầu như món nào cũng làm khá đơn giản nhưng vẫn mang những đặc trưng ẩm thực riêng biệt mà người ở đây muốn là sự cay nóng, ngọt bùi chủ yếu đến từ ớt và dừa. Hi vọng list những món ăn miền Nam dễ làm trên sẽ giúp bạn làm phong phú thêm được bữa ăn gia đình.