Miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng cực kỳ nổi tiếng bởi những món ăn vặt đơn giản như các loại bánh, loại chè. Vậy cách nấu chè thập cẩm Nghệ An làm sao cho đúng điệu? Chè thập cẩm là loại chè phổ biến nhất và cũng dễ ăn nhất, kết hợp nhiều loại nguyên liệu bổ, rẻ mà bất kì ai cũng có thể tìm mua và tự làm. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn cách nấu chè thập cẩm Nghệ An nhé!
Nội dung chính
1. Chè thập cẩm miền Trung có gì đặc biệt?
- Không kể đến những món ăn đặc trưng riêng của mỗi miền mới có thì những món phổ biến trên phạm vi cả 3 miền đều sẽ nguyên liệu na ná nhau. Chè thập cẩm cũng vậy, dù là ở miền nào thì nguyên liệu chính vẫn là các loại đậu: đậu xanh, đậu đỏ, có thể là đậu đen. Chè thập cẩm miền Trung nói chung không thể thiếu đậu đỏ và đậu xanh. Nếu thiếu đi một trong hai thì xem như vị ngon đã giảm đi một nửa.
- Ở miền Bắc thường sẽ cho thêm khoai lang và khoai môn vào để thêm vị bùi, béo nhưng chè thập cẩm Nghệ An lại rất hiếm khi cho thêm khoai. Chè khoai lại là một món riêng biệt hẳn. Ngoài ra thì chè thập cẩm miền Trung sẽ có thêm bột lọc bọc dừa (loại được làm từ bột năng bọc với cùi dừa cắt nhỏ và vo viên) gần gần giống với bột bang của người Bắc nhưng hạt to hơn, có thêm nhân dừa nên sẽ bùi và béo hơn.
- Cách làm chè thập cẩm Nghệ An nói riêng cũng hơi khác so với vùng miền khác khi dùng nhiều loại đậu đỏ kết hợp. Loại đậu hạt nhỏ vẫn phổ biến nhất, nhưng đôi khi sẽ còn được nấu thêm với loại đậu đỏ to như lóng ngón tay. Kết hợp các loại đậu này ăn sẽ đậm vị và có tác dụng thanh mát cơ thể, rất tốt cho sức khỏe.
- Một điểm đặc trưng nữa của chè thập cẩm miền Trung là không sử dụng nước cốt dừa. Người miền Bắc, miền Nam sẽ cho thêm ít nước cốt dừa vào cho thơm và béo nhưng người Nghệ lại thích rắc dừa khô hoặc lạc rang đâm nhỏ lên. Thông thường sẽ là dừa khô. Dừa khô vừa thơm, vừa ngọt bùi, ăn cùng chè thập cẩm vị ngon sẽ tăng lên gấp bội.
- Ngoài ra thì chè thập cẩm ở đây còn có thể kết hợp thêm với các nguyên liệu khác như chuối khô, cùi dừa nạo nhỏ, một ít sữa đặc hoặc siro hoặc gần đây nhất là cho thêm các loại thạch.
2. Cách nấu chè thập cẩm Nghệ An
2.1 Nguyên liệu:
- 100 gram đậu đỏ
- 50 gram lạc rang giã nhỏ
- 100 gram đậu xanh
- 100 gram bột nếp
- 100 gram bột năng
- một ít dừa khô, dừa nạo thái sợi, cùi dừa cắt nhỏ hạt lựu
- 100ml nước dừa
- đường trắng
- Chuối khô, các loại thạch hoặc siro (nếu muốn)
2.1 Cách làm:
Bước 1:
- Đậu đỏ: vo sạch, cho vào nước ngâm khoảng 2 tiếng. Sau khi ngâm cho đậu vào nồi ninh nhừ. Cuối cùng cho thêm đường, độ ngọt tùy khẩu vị.
- Đậu xanh: Tương tự như với đậu đỏ
Bước 2:
- Cho một ít nước lọc, cùng với 100ml nước dừa và đường trắng bắc lên bếp đun sôi.
- Bước ba: Bột nếp và bột năng: Hoà tan với nước, nhồi thành những khối nhỏ mềm mịn nhuyễn. Chia bột ra và viên thành hình tròn nhỏ, ấn dẹt cho thêm nhân là cùi dừa thái hạt lựu vào, vo viên tròn lại, sau đó cho vào nồi nước luộc chín. Khi bột nổi lên, có màu trắng trong suốt, nhìn thấy rõ nhân dừa thì vớt ra, thả vào nước nguội cho bột dai, giòn.
- Bước 4: Múc đậu đỏ ra bát, tiếp theo đến đậu xanh, bột lọc và cho thêm nước dừa đã nấu vào. Có thể cho thêm chuối khô, thạch,…tùy sở thích. Cuối cùng cho dừa khô và dừa thái sợi lên trên là đã có thể thưởng thức.
Cốc chè thập cẩm miền Trung với vị ngọt mát của đậu đỏ, đậu xanh, kết hợp cùng bột lọc giòn dai sần sật và vị thơm bùi của dừa khô sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho cuối tuần. Hãy áp dụng công thức trên để bữa ăn phụ cuối tuần nhà bạn thêm phần mới mẻ nhé!
Trên đây là một số điểm đặc trưng cơ bản nhất giúp bạn phân biệt rõ chè thập cẩm miền Trung có gì khác so với 2 miền còn lại. Đồng thời chúng tôi cũng giới thiệu cho bạn cách nấu chè thập cẩm Nghệ An ngon, chuẩn đúng vị. Chúc các bạn thành công