Những đặc trưng cơ bản nhất của ẩm thực Nam Bộ sẽ được thể hiện một cách hài hòa qua các món ngon ngày Tết miền Nam. Những món ăn mà chúng tôi giới thiệu dưới đây là những món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người dân nơi đây.
Các món ăn của người miền Nam thường sẽ không quá cầu kỳ và chi tiết như 2 miền còn lại, vị thì sẽ thiên về cay và ngọt nhiều hơn. Đặc biệt trong ngày tết cổ truyền cũng vậy, họ chú trọng kết hợp hài hòa giữa các vị mặn, ngọt, chua, cay và thậm chí là cả đắng.
Nội dung chính
1. Bánh tét
Cũng như miền Bắc có bánh chưng thì miền Nam lại có bánh tét. Bánh tét là linh hồn cho những ngày tết nguyên đán của người dân nơi đây. Nguyên liệu bánh tét chủ yếu cũng giống với bánh chưng, nhưng người miền Nam lại thường biến tấu đi một chút về vị. Có bánh tét mặn và bánh tét ngọt. Ngoài ra thì người dân Nam bộ cũng thêm màu bằng lá cẩm hoặc các nguyên liệu khác để bánh có màu xanh, tím,…bắt mắt. Nhiều nhà sẽ có thể thêm cả lạp xưởng, trứng muối tùy sở thích. Nhân ngọt thường là nhân đậu đỏ, đậu xanh, chuối,…..Người miền Nam có rất nhiều biến tấu cho bánh tét để bánh có vẻ ngoài hấp dẫn hơn, bắt mắt hơn.
2. Thịt kho hột vịt (Thịt kho nước dừa/Thịt kho tàu)
Đây cũng là món ăn “đinh” trên mâm cơm ngày tết của người miền Nam. Người ta thường dùng thịt ba rọi, cả mỡ và thịt nạc đầy đặn để khi ăn không bị khô, mà lúc trưng bày miếng thịt nhìn cũng đầy đặn và hài hòa. Ngoài thịt kho thì còn cần thêm cả trứng. Trứng có thể rán sơ qua trước để khi kho với thịt sẽ được ngấm. Nồi thịt phải có đủ vị mặn, ngọt, màu sắc phải hài hòa. Khác với việc thắng đường nấu như người miền Bắc, ở miền Nam sẽ dùng nước dừa xiêm để kho thịt, thịt vừa ngọt mà vừa thơm. Nồi thịt muốn ngon thì tốt nhất nên nấu bếp than, ninh lửa liu riu thật lâu cho ngấm. Thịt kho hột vịt có thể ăn kèm cùng dưa giá, củ kiệu muối chua cho đỡ ngấy, dùng cùng với cơm trắng hay xôi vò đều hợp.
3. Canh khổ qua nhồi thịt
Trong những món ngon ngày tết ở miền Nam mà không nhắc đến canh khổ qua nhồi thịt thì quả là một sự sai sót đáng kể. Người dân ở đây thường hay nấu canh khổ qua (mướp đắng) với một ý niệm mong muốn mọi khổ đau đều qua đi. Mặc dù có vị nhẵn đắng nhưng đây vẫn là món ăn được hầu hết người Nam bộ yêu thích không chỉ vào mỗi dịp tết mà còn cả vào những bữa ăn hàng ngày.
4. Canh măng hầm giò heo
Tương tự như canh khổ qua, canh măng hầm giò heo cũng là một trong các món ăn ngon ngày tết miền Nam phải kể đến. Măng khô sau khi rửa và ngâm qua được đem đi nấu nhừ cùng giò heo/móng heo, vị ngon ngọt, béo béo của móng giò ăn kèm với măng khô thì không còn gì bằng. Nhiều người tin rằng mâm cơm ngày tết có thêm sự xuất hiện của bát canh măng giò heo thì trông sẽ đầy đặn và ấm cúng hơn cả.
5. Xôi vò
Nếu người miền Bắc có xôi gấc thì người miền Nam lại chuộng xôi vò. Xôi vò không dẻo như những loại xôi khác, rời hạt với nhau, khi ăn thường dùng tay nắm chặt lại. Xôi vò tuy không dẻo, nhưng khi ăn lại bùi vô cùng, mùi thơm của đậu xanh cùng nước dừa vẫn còn vẹn nguyên. Ngoài ra nếu muốn thì cũng có thể cho thêm cả dừa nạo sợi vào ăn kèm.
6. Gà xé phay
Cũng tương tự như miền Bắc, mâm cơm tết ở miền Nam không thể thiếu thịt gà. Tuy nhiên thay vì thịt gà chặt miếng, ăn cùng lá chanh thì người miền Nam sẽ xé nhỏ gà ra, không phải xé quá nhỏ vụn mà xé tơi thành từng miếng vừa ăn, chấm thêm muối ớt hoặc nước mắm chua ngọt. Theo cách ăn này thì thường gà sẽ ngọt thịt và đậm vị hơn là chặt thành miếng. Gà xé phay có thể ăn kèm cùng cháo.
7. Nem/chả giò
Chả giò hay còn gọi là nem rán như ngoài Bắc, cũng được làm từ thịt heo, mộc nhĩ, hành tím, cà rốt xay nhỏ, nêm nếm thêm gia vị cuộn lại trong bánh tráng và đem rán trong dầu đun nóng đến khi vàng giòn. Chả giò thường sẽ được ăn kèm cùng rau sống và nước chấm chua ngọt để đỡ ngấy.
8. Tai heo ngâm giấm
Để giảm độ ngấy của các món ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, người miền Nam thường làm them món tai heo ngâm giấm, ăn vừa giòn vừa ngấm, đủ vị mặn ngọt chua mà cả nhà đều thích. Tai heo ngâm giấm làm cũng đơn giản với nguyên liệu chính là tai lợn, đem luộc ngâm giấm đường theo tỉ lệ vừa ăn. Ngoài ra thì món ăn này dùng để đãi khách trong lúc nhâm nhi rượu, bia cũng hợp lý.
9. Giò heo nhồi thịt
Những món từ thịt lợn rất được ưa chuộng vào ngày tết nguyên đán ở miền Nam, Người miền Nam ngoài dùng thịt lợn để kho, nấu canh, luộc thì còn sáng tạo ra rất nhiều cách làm khác nhau nữa để đa dạng hơn món ăn cho mâm cơm ngày tết. Thường người dân Nam bộ sẽ nhờ người bán rút xương chân giò luôn, về chỉ việc nhồi thịt xay đã nêm nếm cho vào rồi hấp cách thủy. Đem chân giò vào bảo quản trong tủ lạnh cho mát và thịt được săn, khi ăn thì cắt khoanh tròn chấm muối ớt, với cách làm này cả gia đình sẽ ăn được nhiều mà không bị ngấy.
10. Lạp xưởng
Cũng là món ăn sẵn được ưa chuộng nhờ sự tiện dụng giống giò lụa ở miền Bắc, lạp xưởng được dùng nhiều trong những ngày tết nguyên đán. Lạp xưởng có 2 loại từ thịt heo và từ tôm. Trước đây thì người ta hay tự làm lạp xưởng, nhưng gần đây thì đủ các loại lạp xưởng khác nhau đều đã được bày bán, hơn nữa còn có thể đặt làm riêng theo sở thích của mỗi nhà. Lạp xưởng được chiên, rán lên nên ăn sẽ nhanh ngấy, có củ kiệu và cơm trắng ăn kèm mới hợp vị nhất. Đây cũng là “mồi nhậu” cho những dịp tiếp khách ngày tết.
11. Bánh tráng cuốn (gỏi cuốn)
Đa số những món ngon ngày tết miền Nam đều sẽ là đồ dầu mỡ nhanh ngán. Do đó việc làm các món nộm, muối chua, gỏi cuốn ăn kèm sẽ giúp bữa ăn thêm hài hòa và đủ chất hơn. Gỏi cuốn là một trong số đó. Nguyên liệu cũng chỉ đơn giản từ thịt heo, tôm luộc, rau xà lách, bún rối. Tuy nhiên các loại nguyên liệu này kết hợp lại với nhau, được cuộn tròn đẹp mắt, chấm nước mắm chua ngọt thì bạn sẽ cảm thấy vị dầu mỡ của những món chiên rán ăn trước đó đã không còn lại tẹo nào.
12. Gỏi ngó sen
Một loại gỏi khác được ưa chuộng không kém là gỏi ngó sen. Tùy nhà có thể làm gỏi ngó sen với tôm thịt hoặc gỏi ngó sen chay. Thông thường nếu đã có quá nhiều đồ đạm trên bữa cơm thì gỏi ngó sen chay sẽ là “cứu cánh” hoàn hảo, vừa giúp cân bằng vừa giúp bổ sung chất xơ cho cả gia đình. Nếu làm chay thì nguyên liệu cực đơn giản, chỉ có ngó sen, cà rốt, nấm tuyết, ớt chuông, rau răm, cũng có thể thêm cả đậu phụ rán xắt nhỏ vào cùng.
13. Củ kiệu tôm khô
Dưa hành gắn với miền Bắc thì củ kiệu tôm khô lại gắn với cái tết của người miền Nam. Là món ăn kèm phù hợp với hầu hết tất cả các món ăn khác trên mâm cơm ngày tết, củ kiệu tôm khô mà thiếu thì không thể được. Khác với miền Trung chỉ thuần là kiệu muối, người Nam bộ sẽ ăn cùng tôm khô. Sau một thời gian khi kiệu đã ngấm vị chua ngọt, cho thêm ít tôm khô lên vừa nhâm nhi vừa cảm nhận được vị ngọt, mặn, chua, chút hăng và giòn giòn.
14. Dưa giá, dưa chua muối
Cũng là món ăn kèm phổ biến, người dân ở đây thường muối dưa chua và thêm cả ít ngọt, hoặc có thể không muối dưa mà dùng cà rốt, giá đỗ, hành lá muối chua ngọt. Cả 2 món ăn đều có đặc tính mát, nhiều chất xơ, giòn ngon, thích hợp cho những ngày cơ thể ăn quá nhiều chất bổ, chất đạm như ngày tết.
15. Bánh ít
Người miền Trung có bánh tổ, bánh thuẫn vào mỗi dịp tết thì người Nam bộ có bánh ít. Loại bánh dân dã này được làm từ bột gạo, đậu xanh, dừa. Bánh ít miền Nam có 2 loại là mặn và ngọt. Người ta chọn loại bột dẻo nhất, ngâm rồi xay mịn, ủ bột cho đến khi thành khối bột mềm thì bắt đầu các công đoạn khác. Đậu xanh được nấu chín, vo viên để làm nhân.Người ta nặn bánh rồi bọc lại với lá chuối xanh thành hình chóp nón đẹp mắt. Bánh ngọt thì thêm dừa khô bào nhỏ trộn với đậu xanh vào làm nhân. Bánh ít đem hấp chín lên và thưởng thức khi còn nóng là ngon nhất.
Mỗi vùng sẽ có những đặc trưng riêng về ẩm thực, và điều này được thể hiện rõ qua những món ăn truyền thống mà họ thường làm, đặc biệt là trong dịp tết nguyên đán. Người miền Nam sẽ thiên về những thứ béo, bùi và ngọt tự nhiên, chủ yếu ngọt từ dừa. Trên đây là 15 món chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn nhằm giúp bạn hiểu rõ thêm về ẩm thực miền Nam nói chung, ẩm thực ngày Tết miền Nam nói riêng. Ngoài ra giúp bạn làm phong phú thêm thực đơn ngày lễ tết cho mâm cơm gia đình. Nếu có dịp, bạn nên một lần nếm thử những món ngon ngày Tết miền Nam nhé!