Bữa cơm ngày Tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một biểu tượng cho sự đoàn tụ của mỗi gia đình, cùng tìm hiểu về các món ăn truyền thống ngày tết của miền Bắc để xem Tết xưa, Tết nay và mâm cơm ngày Tết mỗi miền có gì khác nhau nhé.
Nội dung chính
1. Bánh chưng
Nếu như bánh tét là món ăn truyền thống dịp lễ tết của người miền Nam thì bánh chưng chính là đặc trưng cho cái Tết ở miền Bắc. Tết dù thiếu gì thì thiếu chứ cặp bánh chưng là vẫn không thể mất đi được.
Bánh chưng không còn chỉ đơn thuần là một món ăn mà nó còn mang trong mình cả giá trị văn hóa lâu đời của người Việt Nam nói chung và người dân Bắc Bộ nói riêng.
Bánh chưng được làm từ nếp, đậu xanh, thịt mỡ, hành củ và gói lại vuông vức trong những chiếc lá dong màu xanh. Bánh dẻo, mềm có vị bùi của đậu xanh, béo béo của thịt mỡ, là món ăn truyền thống không thể không nhắc tới trong các mâm cơm ngày tết.
2. Gà luộc
Cứ dịp lễ tết là phải có cỗ xôi con gà. Gà ngoài việc dễ chế biến, dễ tìm mua thì còn có ý nghĩa mang lại sự may mắn. Thường thì các mâm cơm để cúng Tết dâng lên tổ tiên sẽ dùng gà luộc. Vì gà luộc có màu vàng óng bắt mắt và dễ bày biện.
Với mâm cơm ngày của cả gia đình hiện nay thì có thể chế biến theo nhiều cách khác hơn như gà xé làm nộm hoặc gà rang, gà chiên,… Tuy nhiên để nói về cách làm món ăn truyền thống của miền Bắc ngày tết thì gà luộc vẫn là món ăn cổ truyền được ưa dùng nhất.
3. Dưa hành
Dưa hành đã được đưa vào trong văn học như những biểu tượng của ngày Tết vậy, đặc biệt là với Tết miền Bắc. Tết cổ truyền của ngày xưa không hẳn chỉ dùng dưa hành để giảm bớt sự ngấy của món ăn. Ngày xưa khi đời sống còn chưa được phát triển và cải thiện như bây giờ thì các món ăn đơn giản làm từ những nguyên liệu sẵn có như gạo, hành củ, các loại rau,… sẽ được chế biến để phù hợp với ngày lễ Tết.
Về sau dưa hành dần được trở nên ưa chuộng không chỉ vào ngày lễ tết do vừa dễ ăn vừa dễ làm. Vị chua thanh của dưa hành sẽ giúp các món ăn nhiều mỡ, nhiều chất béo như thịt kho, bánh chưng rán,… dễ ăn và dễ tiêu hơn.
4. Xôi
Như đã nói thì người xưa sẽ thường dùng những nguyên liệu từ chính những vật phẩm quen thuộc để làm những món ăn ngày Tết. Vừa đơn giản mà vừa thể hiện đường lòng thành kính lên tổ tiên cũng như trân trọng những giá trị lao động mà chính bản thân làm ra.
Đặc biệt ở những vùng nông nghiệp lúa nước thì các món ăn từ gạo, nếp đã quá quen thuộc. Xôi chính là một trong những món ăn đó. Có con gà thì không thể thiếu cỗ xôi.
Từ cách đây khá lâu nhiều gia đình miền Bắc bắt đầu sử dụng gấc để làm xôi vì có màu đỏ tượng trưng cho may mắn, phù hợp với không khí ngày tết. Nhưng tùy teo sở thích thì gia đình bạn cũng có thể làm xôi đậu xanh hay các loại xôi khác.
5. Nem rán
Nem rán không hẳn là món ăn quá cổ xưa như bánh chưng hay xôi, gà. Tuy nhiên đây cũng không phải là món ăn mới lạ trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc.
Có thể nem rán mỗi thời điểm sẽ có thêm hoặc bớt đi một vài nguyên liệu. Nhưng về cách làm thì vẫn vậy. Nguyên liệu chủ chốt vẫn là thịt xay, nấm hương, mộc nhĩ, trứng,… trộn đều và cuộn lại trong chiếc bánh đa nem rồi đem rán vàng.
6. Canh măng
Ở miền Nam vào ngày Tết sẽ hay có món canh khổ qua dồn thịt (canh mướp đắng) còn riêng ở miền Bắc thì canh măng lại rất được ưa chuộng.
Canh măng mọc hoặc măng móng giò là món ăn truyền thống miền Bắc xuất hiện đặc biệt nhiều trong mâm cơm những ngày tết. Măng vừa bùi vừa giòn ngon, nếu muốn ăn vừa phải thanh nhẹ thì nấu cùng mọc còn nếu muốn béo ngậy thì nấu cùng móng giò.
7. Canh bóng thập cẩm
Khác với canh măng thì canh bóng hoàn toàn không mỡ màng hay béo ngậy cũng là một món ăn truyền thống ngày tết miền Bắc. Canh bóng thập cẩm về trước thường chỉ có bóng, nấm hương, cà rốt, đôi khi thêm ít mọc vào. Nhưng hiện nay thì các nguyên liệu như trứng thái sợi, thịt, tôm nõn,… cũng được cho thêm vào để tăng vị ngon ngọt cho món canh này
8. Giò lụa
Giò lụa khác với chả vì nó được luộc chứ không phải rán. Giò lụa là món ăn thường xuất hiện trong các dịp lễ tết vì khá thông dụng, có thể ăn ngay và ăn kèm cùng các món ăn khác trong mâm cơm như xôi, cơm nóng, bánh chưng,…
Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp và gắn liền với văn minh lúa nước nên có thể dễ dàng nhận thấy các nguyên liệu như thịt lợn, gạo nếp, các loại rau củ sẽ xuất hiện rất nhiều trong mâm cơm ngày tết. Chỉ khác các các chế biến để da dạng số món mà thôi.
Ngày nay có thể các món như xúc xích, thịt lợn đông, thịt xông khói được làm từ nguyên liệu tương tự là thịt lợn nhưng để nhắc đến món ăn cho ngày tết thì giò lụa vẫn được dùng nhiều hơn cả.
9. Chè kho
Bên cạnh những món ăn mặn thì món ăn ngọt như chè kho cũng là một món ăn truyền thống ngày tết của miền Bắc đáng được nhắc tới. Chè kho được nấu từ đỗ xanh là chủ yếu. Chè thơm mùi đỗ xanh, cốt dừa, lá dứa hoặc hương bưởi, thường được ép vào nhiều khuôn tạo hình khác nhau.
10. Mứt dừa
Mứt dừa không phải là một món ăn mặn trên mâm cơm, tuy nhiên khi nói đề ngày Tết miền Bắc thì bạn không thể bỏ qua mứt dừa được. Những sợi mứt trắng được lớp phấn đường đẹp mắt ở ngoài, ăn có vị ngọt tự nhiên của thịt dừa, lớp đường phủ phía trên tan ra khi vào miệng. Mứt dừa không quá khó làm, hơn nữa thì rất dân dã nên hầu như nhà nào ngày xưa cũng làm món này để tiếp khách chơi nhà.
11. Mứt cà rốt
Vào ngày Tết thì những món ăn có màu đỏ rất được ưa thích và mứt cà rốt là một trong số đó. Mứt cà rốt khó làm hơn mứt dừa do quá trình chuẩn bị và sao mứt lâu hơn, nhưng cũng không phải quá cầu kỳ và phức tạp. Tết xưa chủ yếu mỗi nhà đều tự làm mứt chứ không mua sẵn như bây giờ. Mứt cà rốt cũng được phủ lớp phấn đường phía ngoài, khi ăn thì mùi thơm của cà rốt vẫn còn nguyên chứ không đường bị át đi.
12. Mứt bí
Loại bí được dùng để làm mứt là bí đao xanh già. Làm mứt bí yêu cầu sẽ cao hơn các loại mứt khác vì bí là loại quả có nhiều nước, mà muốn thành mứt thì bắt buộc phải sao khô, ngoài ra thì bảo quản mứt bí cũng khó hơn vì dễ bị chảy nước. Tuy nhiên vẫn nhiều nhà chọn làm mứt bí vì bí đao có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, sao khi thành mứt thì có vị khá độc đáo và lạ miệng. Tuy nhiên có một lưu ý là khi cắt khúc thì không nên cắt quá bé vì bí còn phải ướp với đường trong 3-4 tiếng.
13. Mứt gừng
Cũng như mứt dừa và mứt cà rốt, mứt gừng cũng thuộc một trong những loại mứt xuất hiện trong khay bánh kẹo tiếp khách của mỗi gia đình thời xưa. Nếu như trẻ em thích ăn các loại mứt ngọt như mứt dừa, cà rốt, bí thì người lớn lại thích dùng mứt gừng hơn cả.
Ăn mứt gừng và nhâm nhi tách trà cùng những câu chuyện và lời chúc đầu năm đã trở thành thông lệ của cái Tết cổ truyền xưa. Hơn nữa thì vào dịp tết khí hậu và thời tiết miền Bắc khá lạnh, mứt gừng còn giúp làm ấm người, tránh cảm.
14. Hạt dưa, hạt bí
Nếu ngày nay các loại hạt dẻ, hạnh nhân, macca, hướng dương… nhập khẩu phổ biến trong ngày tết thì hạt dưa, hạt bí là loại hạt luôn hiện diện trong những khay bánh kẹo ngày tết. Bên cạnh những sắc trắng, vàng, cam của các loại mứt thì màu đỏ của hạt dưa luôn làm khay kẹo trở nên đẹp và bắt mắt hơn cả.
Như đã nói thì nguyên nhân một phần hạt dưa cũng mang màu đỏ nên được nhiều người thích. Ngoài ra thì hạt bí cũng là loại hạt phổ biến vào Tết cổ truyền. Hạt bí chủ yếu được lấy từ quả bí ngô, làm khô, rang lên. Không chỉ có vị bùi bùi thơm thơm mà hạt bí còn có rất nhiều tác dụng tốt như giúp tăng cường tuần hoàn máu, hạn chế tiểu đường, tốt cho tim mạch và gan,….
Ngoài biết thêm được một số kiến thức về các món ăn cổ truyền vào dịp này, thì bạn cũng có thể bổ sung vào thực đơn cho không chỉ bữa ăn ngày lễ tết mà còn những bữa cơm gia đình ngày thường từ các món ăn truyền thống ngày Tết của miền Bắc trên đây đấy.