Nói tới các loại bánh gói, bánh lọc,..thì không nơi nào có thể qua người miền Trung. Vậy cách làm bánh bột lọc miền Trung để giữa được đặc trưng riêng của vùng miền và chuẩn vị nhất? Mời các bạn cùng tìm hiểu.
Nội dung chính
1. Đặc trưng của bánh bột lọc miền Trung
Bánh bột lọc là một món bánh nổi tiếng và phổ biến ở nhiều vùng miền, nhưng gốc gác phải kể thì ở Huế, ở miền Bắc và miền Nam đã có chút ít biến thể.
- Bánh bột lọc miền Trung nói chung và bánh ở Huế nói riêng đều được làm từ nguyên liệu chủ yếu là bột năng, tôm, thịt và nước chấm ăn kèm. Trước đây bánh bột lọc miền Trung chỉ có nhân tôm, nhưng về sau thì người ta đã thêm nhân thịt vào.
- Đặc điểm của nhân là cả tôm và thịt đều được tẩm ướp, kho rim trước khi cho vào vỏ bánh. Thịt thì không xay nhuyễn mà thái hạt lựu. Khác với miền Bắc thì bánh bột lọc ngay từ đầu đã có cả nhân tôm và thịt, ngoài ra thì thịt sẽ được xay nhuyễn, tôm dùng con nhỏ để gói vào bánh. Ở trong Nam thì chỉ có một loại nhân tôm mà thôi, có thể một số hàng quán cũng có thêm nhân thịt, nhưng nhìn chung chỉ phổ biến nhân tôm.
- Điểm khác biệt thứ hai đó là ở bánh bột lọc miền Trung sẽ được chia ra làm 2 loại là lọc gói và lọc trần. Bánh lọc gói sẽ cũng được làm y như lọc trần nhưng lại được gói vào trong lá chuối, khi ăn có thể hấp hoặc luộc lên cho nóng. Còn ở miền Bắc thì chỉ có duy nhất bánh lọc trần, vỏ bánh lọc của miền bắc cũng mặn hơn một tẹo và bánh cũng được gói to hơn là ở miền Trung, thường thì khi ăn sẽ phải cắt làm đôi. Ngoài ra thì ở người miền Trung bánh lọc gói sẽ ăn nóng còn người miền Bắc thì bánh lọc trần nên sẽ ăn nguội kèm rau và nước chấm chua ngọt.
- Về cách ăn thì người miền Trung thường sẽ rắc ít hành phi lên bánh để lúc ăn thêm thơm đậm đà. Còn riêng ở miền Bắc thì lại thêm một ít lạc rang đâm nhỏ vào nước chấm để thêm vị bùi bùi khi ăn với bánh.
Dù có khác nhau thế nào về hương vị hay về cách làm thì nhìn chung bánh bột lọc ở cả 3 miền đều phải đạt đủ những yêu cầu nhất định là phần vỏ bánh phải trong suốt, không bị đục, nhìn thấy được phần nhân bắt mắt phía trong. Lớp vỏ thì phải dai, vừa vị chứ không được mềm nhão hay cứng quá. Về phần nhân thì cần vừa đủ ngấm, mặn ngọt đầy đủ và vẫn giữ được mùi vị đặc trưng của tôm sau quá trình hấp/luộc.
2. Cách làm bánh bột lọc miền Trung
Sau khi đã tìm hiểu qua một số đặc trưng thì chúng tôi có gợi ý cho bạn một số công thức làm bánh bột lọc chuẩn vị miền Trung đơn giản mà bạn có thể thử
2.1. Bánh bột lọc trần nhân tôm thịt
Nguyên liệu:
- 500g bột năng
- Nước sôi
- 200g tôm
- 200g thịt nạc hay thịt ba chỉ
- Hành lá, đường, nước mắm, muối, tiêu, hành khô.
Cách làm:
- Bước 1: Thịt nạc thái lát nhỏ, ướp với ít muối, tiêu, trộn đều. Phi thơm hành khô rồi thêm thịt vào xào chín.
- Bước 2: Tôm có thể lột vỏ hoặc không, tùy theo mỗi người. Rim tôm lên với gia vị muối đường, có thể cho thêm ít dầu điều để tôm có màu hấp dẫn.
- Bước 3: Bột năng đổ ra âu, nêm ít muối. Đổ nước ấm từ từ vào và trộn đều. Sau đó dùng tay nhồi bột một lúc đến khi bột mịn, phải nhào ngay và liên tục khi bột còn nóng nếu để nguội thì bột sẽ khô cứng, sống bột là không dùng được.
- Bước 4: Chia bột thành từng phần nhỏ, lấy ra một cục bột bằng đầu lóng tay cái, ấn dẹt ra, lần lượt cho nhân tôm và thịt vào giữa. Gấp hai mép lại thành hình bán nguyệt, phải đảm bảo nhấn chắc viền bánh để lúc luộc nhân không bị rơi ra ngoài.
- Bước 5: Đun sôi nước và thả bánh dần dần vào, có thể cho thêm ít dầu ăn để bánh không bị dính. Khi bánh chín thì sẽ nổi lên mặt nước và trở nên trong suốt
- Bước 6: Ngâm bánh vào nước sôi để nguội để bánh không dính vào nhau và lớp vỏ được giai
- Bước 7: Thái nhỏ hành lá, trộn cùng với 1 thìa cà phê dầu ăn, cho quay trong lò vi sóng cho chín. Phết lên trên mặt bánh trước khi ăn
- Bước 8: Bạn có thể chọn ăn nước mắm nóng hoặc nguội, nếu muốn ăn nguội thì pha 3 thìa cà phê nước lạnh với 2 thìa đường, thêm 2 thìa nước mắm vào khuấy đều. Nước mắm phải có vị ngọt ngọt và mặn, nếu muốn có thể thêm ớt cay vào. Hoặc nếu ăn nóng thì cho đường, nước mắm, nước vào nồi và bắc lên bếp đến khi nước hẩm nóng thì cho ra ăn.
- Bước 9: Bạn có thể chấm bánh bột lọc để ăn hoặc rưới trực tiếp nước mắm lên ăn đều được.
2.2. Bánh bột lọc gói nhân tôm thịt
Nguyên liệu:
- 500g bột năng
- 300g tôm tươi
- 150 thịt lợn xay hoặc thái hạt lựu
- Muối, đường, nước mắm, dầu điều
- 5ml dấm chua
- Hành lá, ớt cay
- Lá chuối rửa sạch
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch tôm, có thể lột vỏ hoặc không nhưng cần sơ chế qua trước. Tiếp theo cho lên bếp đã phi hành đảo cùng một ít dầu điều, nêm nếm gia vị vừa phải
- Bước 2: Ướp thịt xay cùng ít muối, tiêu, đường. Phi thơm hành và đảo đều thịt, cho thêm gia vị
- Bước 3: Trộn thêm ít muối vào bột năng vào một âu lớn, đổ nước sôi/ấm vào. Nhanh tay nhào ngay đến khi bột không còn dính tay. Phải liên tục nhào, tránh để khi nước nguội bột sẽ sống, vón cục và không nặn được bánh.
- Bước 4: lá chuối cắt khổ 20x25cm. Lấy từng phần bột nhấn dẹt rồi cho nhân tôm thịt vào trong. Phết ít dầu ăn vào giữa lá rồi đặt bánh bột lọc vừa nặn lên và gói lại.
- Bước 5: Đem bánh bột lọc đi hấp cách thủy trong 15-20 phút, tránh việc hấp lâu quá thì bánh dễ bị nhão.
- Bước 6: Đun 100ml nước, 30ml nước mắm, 4-5 thìa đường, và khuấy đều đến khi đường tan thì tắt bếp (không cần chờ đến khi sôi).
Trên đây là một số thông tin về món bánh bột lọc miền Trung, qua bài viết này, chúng tôi hi vọng bạn có thêm một số hiểu biết về món ăn đặc sản của miền Trung nói chung và món ăn vặt nổi tiếng ở các miền nói riêng. Cũng không nhất thiết phải theo một vùng miền nhất định nào thì mới đúng, bạn có thể dựa vào 2 công thức cách làm bánh bột lọc miền Trung ở trên và biến tấu đa dạng theo sở thích của bản thân và gia đình. Chúc các bạn thành công.