Ẩm thực miền Bắc

Các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc – nhìn là muốn “sum họp”

Bánh chưng ngày tết

Tết cổ truyền là dịp lễ thể hiện rõ nhất những nét đẹp truyền thống được lưu giữ qua bao đời. Các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc mặc dù thời nay đã có sự biến tấu đi ít nhiều theo nhịp thở hiện đại, tuy nhiên nhìn chung vẫn giữ được nét chuẩn mực của tinh hoa một thời, mang trong đó cả một phong phạm riêng của miền.

1. Các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc:

Những món ăn như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành đã đi sâu vào trong tâm khảm của mỗi người dân Việt đặc biệt là người miền Bắc. Đến nỗi chỉ cần nhắc tới Tết mà thiếu đi một thứ thì sẽ không còn trọn vẹn. Những món ngon tết miền Bắc có thể đã được thay đổi chút ít, nhưng nhìn chung một số món dưới đây vẫn là thức cơ bản nhất của ngày tết cổ truyền mỗi năm chỉ một.

1.1 Bánh chưng:

Bánh chưng ngày tết

Giống như Phở, bánh chưng là quốc hồn quốc túy của người dân Việt. Là thứ thể hiện rõ ràng nhất sự coi trọng lúa gạo của một nền nông nghiệp lâu đời. Cứ nhìn thấy lá dong, lạt được bày bán là sẽ thấy không khí tết sắp về. Chiếc bánh vuông vức được gói bằng lá dong xanh. Nhân bánh làm bằng đậu xanh sống với thịt sống, hành sống và tiêu sọ. Khi nấu chín bánh sẽ thơm mùi của nếp, của đậu, mang màu xanh của lá dong. Nhân bánh có màu vàng ươm của đậu, bùi bùi béo béo của thịt mỡ. Bánh chưng không chỉ đơn thuần là ẩm thực mà còn là sản vật tâm linh để dâng cúng tổ tiên và trời đất. Nó thể hiện lòng biết ơn với nguồn cội và mang lại cái tết ấm áp, mộc mạc bình dị của mỗi gia đình Việt.

1.2 Gà luộc:

Đây là món ăn không quá xa lạ gì với mỗi gia đình. Cỗ xôi, con gà là không thể thiếu trong các mâm lễ, mâm tết của người Việt Nam. Đầu tiên, gà là vật dễ chế biến, phổ biến nên thường được chọn để dâng lễ. Ngoài ra theo quan niệm của người xưa gà còn là biểu tượng cho sự cương trực và mạnh mẽ. Vì vậy trước giờ trên mâm cỗ mà thiếu đi con gà là xem như không hoàn hảo một nửa. Tuy nhiên để luộc gà đúng cũng không phải dễ. Thậm chí sau khi luộc xong gà để bày biện lên mâm, nhiều người còn cho rằng màu sắc của da gà, mào gà, móng gà sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của cả một năm.

1.3 Xôi gấc:

Đĩa xôi gấc ngày tết

Có gà thì phải có xôi. Cũng như bánh chưng, xôi là món ăn thể hiện cho tính nông nghiệp đặc trưng nhất của miền Bắc. Người ở đây coi trọng thiên nhiên, đất trời. Trên mâm cơm thường sẽ thấy đủ sự kết hợp hài hòa giữa thực và động vật. Ngoài ra thì quan niệm màu đỏ là màu may mắn, nên thay vì xôi đậu, xôi lạc người ta thường hay dùng xôi gấc hơn cả. Cách làm và nguyên liệu cũng khá đơn giản. Chỉ cần chọn gạo nếp thơm, dẻo, trộn với ruột gấc sau hông lên trong thời gian vừa phải là được.

1.4 Nem rán:

Cùng với 3 món ngon ngày Tết cổ truyền miền Bắc trên thì nem rán là món ăn cũng không thể thiếu. Nem rán thì không phải chỉ được dùng trong mỗi dịp lễ, tết mà còn được dùng phổ biến trong cả mâm cơm hàng ngày của người Bắc nói riêng và người Việt Nam nói chung. Nem rán là sự hòa quyện tuyệt vời của những thành phần như thịt lợn, hành tây, giá đỗ, cà rốt, miến,  nấm hương, mộc nhĩ, trứng và một số gia vị khác, được gói lại trong chiếc bánh đa nem rồi rán giòn.

1.5 Giò chả (giò lụa):

Giò lụa là một món ăn truyền thống khác trong dịp Tết nguyên đán, thường để ăn cùng xôi hoặc bánh chưng. Người Việt Nam làm giò từ thịt lợn và thêm gia vị, được bọc lại bởi lá chuối và đem đi luộc trong vài giờ. Ngoài dịp tết thì giò còn được sử dụng phổ biến quanh năm vì sự tiện lợi của nó.

1.6 Dưa hành:

Đĩa dưa hành ngày tết

Ăn bánh chưng mà không có dưa hành thì không đúng điệu. Bánh chưng, thịt mỡ ăn nhiều sẽ dễ ngấy, nhưng chỉ cần có thêm một bát hành muối thôi, vị ngấy sẽ ngay lập tức được trung hòa. Hành được rửa sạch, ngâm cùng với đường, muối và gừng, đậy nắp kín và chỉ sau 1 tuần là có thể dùng được.

1.7 Canh măng:

Trong mâm cỗ cúng ngày Tết thường có món canh măng mọc hoặc canh măng móng giò. Màu vàng của măng và mỡ hòa quyện cùng vị ngọt của móng heo. Một lí do khác là canh măng cũng không quá khó để nấu, khi thêm vào mâm cơm thì nhìn sẽ được đủ đầy và hoàn thiện hơn.

2. Một số món ngon ngày tết miền bắc hot:

Các món ăn ngon ngày tết ở miền bắc ngoài các món mặn còn có một số món ngọt đặc trưng như: các loại mứt, các loại hạt hay mâm ngũ quả.

2.1 Mứt:

Đặc sản mứt ngày tết cổ truyền

Có thể nói mứt là món ngon ngày tết miền Bắc hot cho tới tận bây giờ. Vừa dễ làm, vừa ngon miệng nên mứt vẫn là lựa chọn số một cho hộp bánh kẹo tết ở mỗi gia đình Việt. Các loại mứt như mứt gừng, mứt dừa, mứt cà rốt,…với đủ màu sắc, phía trên được phủ một lớp phấn đường đẹp mắt luôn hấp dẫn không chỉ mỗi đứa trẻ mà còn cả người lớn. Gần đây, các chị em thường hay tự làm mứt ở nhà hơn là mua ở ngoài, vừa thể hiện sự khéo léo đảm đang mà lại vừa an toàn khi dùng.

2.2 Các loại hạt:

Hạt dưa, hạt bí là những hạt có từ thời xa xưa, khi những loại hạt dẻ, hạt hướng dương chưa du nhập vào Việt Nam nhiều như bây giờ thì đây là thức quà không thể không có khi tết đến. Dăm ba câu chuyện cùng chén trà và nhâm nhi hạt dưa, hạt bí đã là thông lệ khi khách đến nhà. Hạt dưa còn mang màu đỏ của sự may mắn đầu năm. Hiện nay vì chất lượng an toàn thực phẩm khá kém nên nhiều nhà cũng chọn cách tự làm hạt bí cho mình. Hạt dưa làm ở nhà thì hơi khó khăn nhưng với hạt bí lại dễ, chỉ cần đem rang hoặc sấy là đã có thể dùng được ngay.

Mâm cơm Tết đầu luôn thể hiện được những mong muốn của một năm hạnh phúc và đủ đầy, là nơi sum họp đoàn viên của mọi nhà. Trên đây là các món ăn ngon ngày Tết miền Bắc không thể bỏ qua cho mọi nhà. Do đó hãy ghi nhớ những món ăn này để tết cổ truyền thêm phần hương vị nhé.